*Võ sư Trần Xuân Mẫn

Trong kho tàng võ học cổ truyền Việt Nam những bài bản ít nhiều có đề cập đến cây mai hoặc mô phỏng cây mai để phổ ra quyền lộ đều là những thảo bộ danh tiếng, có giá trị về kỹ thuật chiến đấu, thẩm mỹ cao trong cấu trúc động tác và văn vẻ, ẩn dụ trong thiệu ngôn. Giữa các bài thiệu của các thảo bộ quyền và binh khí ấy như Mai hoa quyền, Mai hoa kiếm, Mai hoa đao, Mai hoa ngũ lộ quyền... Bài thiệu Lão mai Quyền là một bản văn truyền khẩu chứa đụng nhiều sự thâm thúy nhất về ý nghĩa nhân sinh
 
Bài thiệu được mở đầu với hai câu thơ:
“Lão mai độc thọ nhất chi vinh
Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành”
(Mai già cô độc một nhánh trổ hoa
Đôi rễ nhẹ nhàng bò ngang qua)

 
Hình ảnh cây mai già đứng riêng lẻ, một nhánh trổ sum suê được khắc hoạ sù sì, gai góc hơn với cội rễ gù lên, đan chéo lại để mô tả một thế võ: Hai chân nhẹ nhàng tiến lên đá ngang qua.

Ngay từ đầu, bức tĩnh vật đã miêu tả hình ảnh đậm nét của sức mạnh đầy ấn tượng là một cội mai già cỗi đại thọ sau nhiều ngày tháng đứng cô quạnh giữa cái rét lạnh của tiết mạnh đông, chịu bao bão táp mưa sa, nay chỉ còn lại một nhánh mà vẫn trổ hoa rực rỡ. Hình ảnh ấy làm chúng ta liên tưởng giữa cội mai già với ý chí bất khuất, quật cường của người võ sĩ, của một dân tộc đất hẹp người thưa đã đấu tranh để tồn tại suốt dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm đầy biến động.

Sau khi mượn việc nở hoa để nói lên ý chí kiên cường, cổ nhân đã dùng phép đảo ngữ để khai quyền trong hai câu tiếp theo:

“Tấn nhất đoản thối hồi lão khởi
Phi nhất thác hoành thối thanh đình”
(Khỉ già tiến ngắn, lui về đứng
Chuồn bay một mạch cũng vòng về)

Ngoài sự mô tả động tác tiến lên một bước ngắn, chém rồi lui về trong tư thế giống như khỉ già, bay lên đá và đẩy một tay rồi vòng về đứng thế như con chuồn chuồn, hai câu thiệu trên còn vẽ nên những chi tiết của một khung cảnh thiên nhiên bình yên, thanh thản. Cái bình yên, thanh thản ở đây không phải miêu tả ngẫu nhiên, tình cờ mà bên trong đã hàm chứa một ẩn dụ: Khỉ già tiến lên một bước ngắn rồi lui về. Chuồn chuồn bay lên rồi vòng lại. Cả hai đều dọ dẫm, e dè. “Lui về” và “vòng lại” ở đây cho thấy đức tính cẩn trọng, khôn khéo của người xưa. Đứng trước một đối thủ khi chưa biết rõ về họ thì phải tới lui thăm dò. Có biết người biết ta thì mới trăm trận trăm thắng.

Đến hai câu 5 và 6 thế trận đã được mở rộng ra phía trước, người võ sĩ tung hoành với tất cả chí xông pha mạnh mẽ. Sức lực và ý chí được huy động tối đa trong khung cảnh tả thực một trận long hổ tranh hùng trời long đất lỡ:

“Tràn nha hổ giương oai thiết trảo
Triển giác long tất lực lôi oanh”
(Hổ mài răng, giương oai vuốt sắt
Rồng rung sừng nổ lực tấn công)

 
Ngoài việc miêu tả động tác võ thuật như con hổ mài răng, ra oai giương vuốt sắt, như con rồng rung sừng, nổ lực tấn công, hai câu thiệu còn hàm chứa sự quyết tâm không sợ hiểm nguy, sự sẵn sàng chiến đấu và chấp nhận hy sinh trước kẻ thù hung bạo.

Động tác của bài quyền và nội dung của lời thiệu như một tấu khúc lúc êm dịu khi sôi nổi, lúc khoan thai khi dồn dập. Bây gìơ bức tranh trở lại một  cảnh đời hoà bình, an lạc, không còn tranh chấp thị phi:

“Lão hồi thối toạ. Liên ba biến
Hồ điệp song phi. Lão bạng sanh”
(Già về ngồi ngẫm, hoa sen rụng
Đôi bướm bay lên. Dọp hoá già)

 
Hai câu trên mô tả những động tác công thủ võ thuật giống như người già lui về ngồi xuống, hoa sen rã tàn, đôi bướm bay lên, vọp già sanh ra, nhưng đồng thời cũng bàng bạc một ý nghĩa nhân sinh về lẽ biến đổi vô thường sinh ra, lớn lên, già lại rồi mất đi để nhắc nhở người đời: Mọi sự, mọi việc ở đời đều không thường tồn, thực hư khó lường nên chớ thấy thắng mà vui, chớ thấy bại mà chán nản

Ý tưởng trên càng được phát triển ở hai câu cuối:

“Nguyệt quật song câu. Lôi điển chấn
Vân tôn tam tảo. Hổ, xà, thành”
(Trăng treo cửa sổ, tia sét chớp
Mây quét ba lần. Hổ, rắn qua)

 
Và trong “mạch suy tưởng liên tục” nối tiếp ý của những câu trên về nhân sinh, lẽ sống, xin được dịch thoát hai câu cuối như sau:
Trăng đang sáng vành vạnh. Sấm sét xé ngang trời.
Mây vần vũ đến rồi. Dã thú đều chạy trốn

Xem đây như một phiếm luận, người dịch có chủ quan quá chăng? Có “hoa hoè hoa sói” quá chăng? Nhưng dù có dịch nghĩa thế nào đi nữa thì với những gì đã được người xưa gợi ý, gởi gấm trong suốt mười câu thơ chứa nhiều ẩn dụ như trên cũng phải cô đọng lại một điều rằng: Cả bài thiệu của bài võ Lão Mai Quyền đã vẽ nên một bức tranh với nhiều cảnh đời liên kết, trước sau đều có chủ ý nhắc nhở: Người luyện võ nói riêng và người sống ở đời nói chung, không thể tách rời và luôn bị sự chi phối bởi quy luật của tạo hoá; Vì thế, nên tùy hoàn cảnh mà cương mà nhu, lúc tách rời lúc hoà hiệp, lúc dụng võ lúc hành đạo, luôn giữ cho được “tinh thần’ cây mai già đơn độc kiên định với bể dâu./.